Sai lầm vẫn không đáng sợ

Sai lầm vẫn không đáng sợ

Chuyện xảy ra tại một công ty thương mại ở Berlin. Buổi trưa hôm đó, có một nữ khách hàng đến mua máy hát. Nhân viên bán hàng của công ty tiếp đãi vị khách hàng này với thái độ rất lịch sự, ân cần và chọn giúp cô mua một chiếc máy hát hiệu Siemens vẫn còn dấu niêm phong. Sau khi vị khách này ra về, nhân viên bán hàng kiểm kê hàng hoá và phát hiện mình đã vừa giao nhầm hàng mẫu không có ruột cho nữ khách hàng kia. Anh ta lập tức báo cho bảo vệ của công ty để tìm vị khách hàng này, nhưng không thấy.

Sau khi nhận được báo cáo, giám đốc công ty nhận định việc này có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích khách hàng và danh dự của công ty nên ông cho gọi những người có liên quan đến để hỏi cặn kẽ. Những nhân viên này chỉ biết nữ khách hàng đó tên là Gitles, phóng viên người Pháp. Nữ khách hàng này có để lại tấm danh thiếp chỉ ghi vẻn vẹn “công ty chuyển phát nhanh Pháp”. Vậy là cũng có chút manh mối! Ngay trong đêm hôm đó, bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty bắt đầu công việc tìm kiếm chẳng khác nào “mò kim đáy bể” này.

Các khách sạn ở Berlin là nơi đầu tiên họ gọi điện tới để hỏi thăm, nhưng không có kết quả. Sau đó, họ gọi đến trụ sở công ty chuyển phát nhanh Pháp ở Paris và may mắn biết được số điện thoại của bố mẹ Gitles tại Pháp. Họ tiếp tục gọi điện thoại đến nhà bố mẹ của Gitles để biết được địa chỉ và số điện thoại của cô ấy tại Paris. Bận rộn suốt cả một đêm, họ đã thực hiện tổng cộng 78 cuộc gọi khẩn.

Sáng hôm sau, chỉ mấy mươi phút sau cuộc điện thoại đến xin lỗi khách hàng, phó giám đốc và nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty đã có mặt tại nơi ở của cô ấy. Hai người bước vào phòng khách, vừa gặp Gitles, họ đã vội khom người xuống bày tỏ ý xin lỗi về sự tắc trách của công ty mình. Ngoài việc mang đến một chiếc máy hát hiệu Siemens còn nguyên kiện, họ còn kèm theo một đĩa nhạc gồm những ca khúc nổi tiếng, một chiếc bánh ga tô và một chiếc khăn lông. Sau đó, phó giám đốc còn mở sổ ghi chép công việc ra, đọc lại quá trình truy tìm địa chỉ và số điện thoại của Gitles để kịp thời sửa chữa sai lầm này.

Lúc này, Gitles rất cảm động. Cô ấy thẳng thắn nói rằng cô mua chiếc máy hát này là để làm quà tặng cho bà ngoại ở Berlin. Sau khi chở về, cô mở hộp, lấy máy ra để dùng thử thì mới phát hiện đây chỉ là cái vỏ máy. Lúc đó, cô rất bực tức, cảm thấy mình như bị mắc lừa nên viết ngay một bài phê bình có tựa để là “Bộ mặt thật sau vẻ tươi cười” để sáng hôm sau đến công ty hỏi tội. Không ngờ, việc sửa chữa lỗi lầm của công ty lại có hiệu quả đến như vậy. Chỉ vì một chiếc máy hát mà công ty đã hao tổn biết bao nhiêu công sức. Việc làm này đã khiến Gitles rất kính phục. Cô lập tức xé bỏ bài phê bình và viết lại một bài mới có tựa để “78 cuộc gọi khẩn”.

Bài viêt “78 cuộc gọi khẩn” vừa được đăng báo đã gây tiếng vang lớn. Công ty trở nên nổi tiếng nhờ thái độ hết lòng vì khách hàng, khách hàng đến đây nườm nượp. Về sau, câu chuyện này được hiệp hội quan hệ công cộng nước Pháp chọn làm ví dụ điển hình cho quan hệ công cộng thế giới.