Chàng trai khởi nghiệp với tỏi đen
|Chàng trai khởi nghiệp với tỏi đen
Tỏi đen đang được xem là loại thực phẩm có khả năng hỗ trợ rất tốt cho điều trị ung thư, giảm mỡ máu, giúp lưu thông máu… Trên thị trường, tỏi đen có giá từ 2 – 5 triệu đồng/kg nhưng không dễ mua. Sau rất nhiều lần mày mò thử nghiệm, một chàng trai ở Đà Nẵng đã tìm ra cách lên men tỏi thành tỏi đen chỉ với những dụng cụ thô sơ.
Chủ nhân của ý tưởng táo bạo này là Chế Viết Vũ, ngụ tại Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Điều đặc biệt, Vũ chỉ mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Đức Trí, chưa học lên đại học.
Vũ kể về dự án của mình: “Tôi đã tìm hiểu về tỏi đen nhiều năm và phát hiện ra có rất nhiều cách làm khác nhau ở các nước Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Có 3 yếu tố ảnh hưởng tới sự lên men của tỏi là nhiệt độ, độ ẩm và áp suất. Tỏi xuất xứ từ các vùng miền khác nhau sẽ khác nhau về chất lượng và thành phần dinh dưỡng nên không thể bưng nguyên số liệu của nước ngoài áp dụng vào tỏi của Việt Nam, trong khi tỏi nước ta vẫn chưa có số liệu chính xác về độ ẩm và nhiệt độ. Đây cũng là một trong những cái khó khi bắt tay vào thực hiện dự án”.
Để thử nghiệm, Vũ chọn thực hiện trên mẫu tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) và tỏi Trung Quốc với nhiệt độ lấy từ bóng đèn, còn độ ẩm từ một ly nước. Những thí nghiệm đầu tiên đã không thành công.
Các mẻ tỏi không lên men, có thể do độ ẩm và nhiệt độ quá cao dẫn đến tỏi bị “luộc”, có khi bốc mùi hôi, không thể sử dụng. Sau hơn 6 tháng kiên trì thử nghiệm, làm đi làm lại nhiều lần, Vũ đã bước đầu thành công khi mẻ tỏi đen đầu tiên ra lò chỉ sau 40 ngày.
Không có điều kiện đầu tư máy móc (trung bình 40 triệu đồng/máy, làm được 2kg tỏi, nếu sản xuất theo dây chuyền thì khoản đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng), cách làm của Vũ thô sơ những lại có hiệu quả tốt.
Tỏi được đặt trong 2 thùng phuy (mỗi thùng có thể chứa 40kg tỏi), bên trong có bóng đèn, ly nước để tạo độ ẩm và thành phuy được lót nylon dày để không thoát nhiệt. Nhiệt độ từ bóng đèn giúp nước bốc hơi, áp suất giúp tỏi lên men. Trước khi cho lên men, tỏi phải được hấp cách thủy để diệt khuẩn.
Theo đánh giá ban đầu của Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy VietCert, dự án của Vũ đã tìm ra thêm một phương pháp để làm tỏi đen với chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao và dễ thực hiện hơn các phương pháp trước. Tỏi đen làm ra có mùi vị dễ chịu. Tuy nhiên, cần phải kiểm định thành phần dinh dưỡng của sản phẩm để có được thông số chính xác nhất.
Dự án của Vũ bước đầu được đánh giá tốt, góp phần tìm ra phương pháp làm tỏi đen mới hiệu quả với chi phí thấp. Theo Vũ, với tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp, nhất là những giống tỏi nổi tiếng như tỏi Lý Sơn, dự án này sẽ góp phần đẩy mạnh và làm phong phú sản phẩm làm từ tỏi Việt Nam.