Nghệ thuật trở thành người giàu có
|Làm giàu là một vấn đề thuộc kỹ thuật và trạng thái tinh thần. Nó phải được làm quen từ khi còn bé. Những bài học sau đây rút ra từ một cuốn sách đang bán rất chạy ở thị trường Mỹ, Rich dad, poor dad (Cha giàu, cha nghèo) của Robert Kiyosaki, con trai một người bố giàu kiến thức nhưng nghèo tiền của. Với kinh nghiệm đúc rút từ người cha đẻ giàu kiến thức nhưng nghèo tiền của ấy và vốn kiến thức mà người cha nuôi giàu có truyền cho, Robert Kiyosaki đã trở thành người tự lập rất thành công.
Mua sắm khi mình có khả năng tự thưởng
Một ngày nọ, với vẻ bất bình hiện rõ trên mặt, người hàng xóm bước sang nhà Kiyosaki tâm sự. “Thằng con trai của tôi muốn tôi mua cho nó chiếc xe. Nó nói tất cả các bạn nó đều đã có xe riêng. Ông khuyên tôi phải làm gì đây?”. Kiyosaki trả lời: “Hãy đưa cho con trai bạn 3.000 đôla, món tiền vừa đủ để mua một chiếc xe nhưng dặn nó dùng món tiền này mà đầu tư vào cổ phiếu công ty ở thị trường chứng khoán và chỉ được phép mua xe khi từ số vốn ấy nó có thêm 3.000 đôla phát sinh”. Từ đó trở đi, chàng thanh niên con nhà hàng xóm đã trở thành một chuyên gia đầu tư cổ phiếu, chưa mua xe vì còn kỳ vọng có nhiều tiền hơn để mua xe đắt tiền hơn.
Sống không sợ thiếu tiền
“Có rất nhiều người muốn làm được thật nhiều tiền vì lúc nào họ cũng sợ sẽ thiếu tiền”, Robert Kiyosaki cho biết. Thật ra, nếu họ lao vào việc làm ăn với tâm trạng như thế thì chắc chắn sẽ phải nhận lãnh nhiều thất vọng. “Vì đến một lúc nào đó họ sẽ sợ bị mất ngôi nhà đẹp, chiếc xe sang, thậm chí cả tài sản đã gom góp được cũng tiêu tan. Họ tưởng lầm rằng có nhiều tiền sẽ đánh tan được nỗi lo sợ bị thiếu tiền”. Để tránh bị thiếu tiền, mất tiền, họ sẽ không dám đầu tư, ngại lập nghiệp riêng mà chấp nhận suốt đời chỉ là anh làm thuê. “Không ai có thể giàu lên được nếu chỉ mãi là một nhân viên ăn lương tháng”.
Tránh đầu tư vào dự án “ngốn vốn lớn”
Bạn giải thích cho con trai mới lớn rằng bạn vừa thực hiện một vụ đầu tư quan trọng bằng cách mua nhà trả chậm. Sai lầm. Bạn đã lừa chính mình vì việc ấy thực ra là hành động tự máng nợ vào cổ, chuốc thêm một nguồn chi từ thu nhập vốn đã khiêm tốn của bạn. “Khi có ít tiền thì nên suy tính kỹ phải dùng nó vào việc gì có nhiều khả năng sinh lợi nhất, dù là lợi nhuận khiêm tốn, mà ít rủi ro nhất. Ở các thị trường phát triển, chẳng có gì đảm bảo hơn là cổ phiếu công ty rao bán ở thị trường chứng khoán, hoặc đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ. Tuyệt đối phải tránh các nguồn đầu tư ngốn vốn, chẳng hạn như sưu tập tranh, xe cổ…”, Kiyosaki giải thích.
Tránh xa dự án đầu tư “chiếm hết thời gian”
Buổi ban đầu của những ai tham gia vào lĩnh vực đầu tư bất động sản, dự án tài chính lớn hoặc góp vốn cho công ty nhỏ và vừa cũng đều lấy làm phấn chấn, thích thú. Nhưng chẳng bao lâu, họ sẽ thấy mình trở thành “nô lệ” của những dự án đầu tư ấy. Chúng chiếm hết thời gian cuộc sống hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. “Nếu còn phải chu toàn công việc khác để tiếp tục có thu nhập bình ổn, bạn phải tránh xa các dự án đầu tư kiểu ấy mà nên chọn góp vốn vào những cơ hội nào chỉ đòi hỏi sự tập trung chú ý và theo dõi của bạn lâu lâu một lần. Như vậy hãy chọn người, cơ sở đáng tin cậy mà gửi cho số vốn khiêm tốn của bạn, để lâu nó sẽ trở thành món tiền khá lớn đấy”, Robert Kiyosaki khuyên.
Tự làm
Khi có khả năng và điều kiện thì hãy tự mình gánh vác công việc đầu tư mới, đừng ngại thử thách, hãy tránh các tay môi giới, những người trung gian. Khi bắt đầu tự làm thì cũng biết cách cho đi. Hãy biết làm phúc ngay cả khi bạn ít tiền nhất, rồi sẽ thấy được cuộc đời trả cho thật hậu hĩ, thật sớm.
Mở rộng chân trời
Đam mê của Kiyosaki là đóng tiền tham dự các giờ thuyết trình, buổi trình bày bởi các chuyên gia ở từng lĩnh vực tài chính, bất động sản, văn học, giải trí, du lịch… “để trau dồi kiến thức, mở rộng chân trời hòng có thể tự mình dễ dàng kiểm tra chéo những thông tin nhận được, phát hiện được liên quan đến một cơ hội làm ăn nào đó”. Còn ông Marc Fiorentino, 45 tuổi, chủ tịch công ty Euroland Finance kể rằng để làm giàu thì phải có đam mê và không ngượng khi kiếm lời từ đam mê. “Tôi rất thích đọc báo, tuần nào cũng đọc khoảng 20 tờ báo và tạp chí để thu thập thông tin, phối kiểm chúng và tập trung hiểu biết để làm giàu”.
Biết “đánh hơi” và tìm cơ hội
Rảo bước ngoài đường phố cũng là cách thức hay để “đánh hơi” được những xu thế và từ đó rút ra cho mình những cơ hội. Kiyosaki kể rằng chính trong những lần chạy bộ tập thể dục buổi sáng mà ông đã có được những “thời cơ” làm ăn thành công nhất. “Cơ hội đến có khi từ một tấm biển rao bán thứ gì đó”, ông nói.
Biết vấp té và đứng lên 100 lần
Khi con của bạn thổ lộ dự án đầu tư đầu tiên của nó, ngay lập tức nó sẽ nhận được cơn mưa lời khuyên, lời cảnh báo, lời nhắc nhở… mà đa phần đều có mục đích làm nhụt chí đứa bé mà thôi. “Để thành công, trước nhất mỗi người chúng ta đều phải có vài lần nếm mùi thất bại”, Kiyosaki nói. “Điều quan trọng là sau mỗi lần vấp té, bạn phải biết gom sức đứng lên cho mạnh hơn, vững chắc hơn”. Ông Marc Simoncini, 42 tuổi, tác giả cuốn Con trai của ta, con sẽ là người giàu có (Tu seras un homme riche, mon fils; nhà xuất bản Bourin Éditions), tâm sự: “Tôi đã bị đập vào mặt mình 50 cánh cửa rồi mới biết được thế nào là sự thành công. Nó đã giúp tôi nhận thức được giá trị của sự thành công, giúp tôi biết tránh lao mình vào những dự án chưa xem xét thật kỹ lưỡng. Trong 11 năm, cứ vào ngày 20 mỗi tháng, tôi lại bấn lên vì không biết lấy đâu ra tiền mà trả lương cho nhân viên, tôi đã ba lần phải bán xe của mình để làm việc ấy”. Simoncini hiện là tổng giám đốc cổng vào internet iFrance và địa chỉ web meetic.fr.
(Vietnamnet)